Sự khác biệt của các đôi đũa ở từng quốc gia
Đôi đũa không chỉ là vật được sử dụng trong truyền thống ăn uống mà còn trở thành nét đẹp trong văn hóa ẩm thực phương Đông. Theo quan niệm Á Đông, dao, dĩa có liên quan đến bạo lực và binh đao, thể hiện sự độc ác, chết chóc nên người dân kiêng không dùng trong bữa ăn. Hơn nữa, ở những nước này, các món ăn thường được chế biến thành những miếng nhỏ vừa miệng, thích hợp với dùng đũa và không cần đến dao để cắt thức ăn.
Đũa có nguồn gốc từ thời nhà Thương (1776 – 1122 TCN) ở Trung Quốc. Các nhà khảo cổ học đã tìm được một đôi đũa bằng đồng tại kinh đô nhà Thương, thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và xác định đôi đũa này được làm vào năm 1200 TCN.
Trong khi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đã có thói quen sử dụng đũa từ lâu đời thì người dân các nước châu Á khác như Thái Lan, Brunei… mới bắt đầu sử dụng đũa từ vài thế kỷ nay. Do ảnh hưởng về phong tục tập quán của dân di cư từ Trung Quốc, người dân các nước Thái Lan, Indonesia… đã chuyển từ ăn bốc (tức là ăn bằng tay) sang dùng đũa. Ban đầu, họ chỉ dùng đũa khi ăn mì, còn cơm và các loại thức ăn khác thường được ăn bằng thìa hoặc dĩa.
Đũa thường được làm từ tre hoặc nhựa nhưng cũng có thể làm từ kim loại, xương, ngà voi và gỗ. Do sự khác biệt về văn hóa cũng như phong tục tập quán mà đôi đũa mỗi nước có chất liệu, kiểu dáng và cách trang trí riêng. Chúng mình thử điểm qua một vài nét khác nhau giữa đôi đũa các nước nhé!
1. Nhật Bản
So với đũa Trung Quốc, Việt Nam… đũa Nhật Bản ngắn hơn và dễ sử dụng hơn. Đũa có đầu nhọn, thường làm từ gỗ sơn mài, được trang trí với nhiều họa tiết vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. Đặc biệt, đũa Nhật thường được phân biệt bằng màu sắc. Phụ nữ thường dùng đũa màu đỏ tươi trong khi đũa đàn ông thường là màu đen, bởi vậy người Nhật thường dùng một bộ đũa gồm hai đôi, một màu đen, một màu đỏ làm quà cưới cho những đôi vợ chồng trẻ.
Bộ đũa gồm hai đôi, một màu đen, một màu đỏ làm quà cưới cho những đôi vợ chồng trẻ.
Ngoài ra, người Nhật đặc biệt chú trọng đến chiều dài của chiếc đũa: đũa của chồng thường dài hơn của vợ, đũa của bố mẹ dài hơn con cái, đũa của anh dài hơn của em… Một điều thú vị khác là người Nhật có tục lệ: những người đi cắm trại hay picnic sau khi dùng đũa xong phải bẻ đôi đũa để tránh ma quỷ lợi dụng những đôi đũa đó làm điều xấu.
Cách dùng đũa của người Nhật cũng khá hay ho, khi họ cảm thấy đã no và không muốn tiếp thêm đồ ăn nữa sẽ giữ nguyên đôi đũa giữa ngón cái và ngón trỏ rồi nói “gochisosama” – bữa ăn rất ngon, xin cảm ơn. Việc này vừa thể hiện sự trân trọng đối với bữa ăn mà mình được phục vụ vừa là một phép lịch sự. Ngoài ra, đối với văn hóa Nhật, việc ăn uống xì xụp không phải là bất lịch sự mà là thể hiện sự khen ngợi đối với tài nghệ của người đầu biết.
Trong tiếng Nhật, đũa được gọi là “hashi” (箸). Số 4 trong tiếng Nhật phát âm là Si (Shi), số 8 phát âm là Hachi, ghép lại thành “hashi” là đôi đũa nên người dân xứ hoa anh đào đã chọn ngày mồng 4 tháng 8 hàng năm làm ngày hội đũa. Các đôi đũa với đủ màu sắc, chất liệu, được làm cầu kỳ, tỉ mỉ, giá trị được trưng bày ra cho mọi người cùng xem. Ngày này còn được gọi là ngày thay đũa mới trong năm.
2. Hàn Quốc
Cũng như các nước khác, đũa có vai trò rất quan trọng trong các bữa ăn của người Hàn. Người Hàn Quốc trong bữa ăn thường không bao giờ cầm bát đĩa lên mà chỉ dùng đũa, muỗng để gắp, múc thức ăn. Họ cũng không cầm thìa và đũa trong cùng một bàn tay. Khi ngồi chung một bàn ăn, ai muốn gắp đồ ăn từ dĩa đựng thức ăng chung phải đảm bảo đôi đũa của mình thật sạch, không bị dính đồ ăn hay cơm,…
Đặc biệt, những đôi đũa của người Hàn thường dẹt, đầu đũa tròn và phía trên đầu còn có khắc những chữ “phúc”, “hỷ” bằng chữ Hán hoặc những hình ảnh tượng trưng cho cát tường. Hầu như từ trong gia đình cho đến các quán ăn đều chỉ sử dụng đũa làm từ kim loại. Sở dĩ họ chuộng đũa kim loại vì vừa vệ sinh, vừa thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, khi ăn uống ở xứ sở kim chi thì việc cầm đũa thực sự cần có kỹ năng, hơi vất vả
3. Trung Quốc
Văn hóa đùng đũa của người Trung Quốc cũng khá cởi mở, không có quá nhiều quy tắc. Đũa thường được giữ trong tay phải và việc sử dụng đũa bằng tay trái được coi là nghi thức không thích hợp ở đây. Ngoài ra, nghịch đũa được coi là một hành vi xấu còn gắp thức ăn cho người già, trẻ em sẽ được coi là chu đáo, lịch sự. Khi đi ăn với người lớn tuổi, người Trung thường để người lớn cầm đũa trước mình và người chủ nhà sẽ chủ động gắp thức ăn vào dĩa của khác trước.
Đũa của người Trung Quốc thường vuông ở phía cầm đũa và tròn ở đầu đũa.
Đôi đũa còn đóng một vai trò quan trọng trong truyền thống văn hóa của người Trung Hoa. Đôi đũa theo tiếng Trung Quốc viết là 筷子, đọc là “kuàizi” mà từ “nhanh” (快) trong tiếng Hoa cũng có cùng cách phát âm là “kuài” với từ “筷”. Chính vì vậy mà ở nhiều nơi, trong lễ cưới, gia đình chú rể thường tặng hai đôi đũa và hai cái bát cho đôi vợ chồng để cầu chúc cho cô dâu chú rể không chỉ có cuộc sống hạnh phúc mà còn sớm sinh con đẻ cái vì từ “kuài” có nghĩa là “nhanh”.
4. Việt Nam
Đối với người Việt, việc dùng đũa không chỉ đơn thuần chỉ là một công cụ để gắp thức ăn, nó còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ một cách tinh tế. Hầu như khi khởi đầu các bữa ăn, đặc biệt là trong các bữa tiệc, trước khi gắp đồ cho chính mình, họ thường dùng đôi đũa còn sạch để gắp đồ ăn mời mọi người quanh bàn. Còn trong suốt bữa ăn, nếu muốn tiếp đồ ăn cho người khác, phải đảo đầu đũa, đây là phép lịch sự tối thiểu nhất.
Nhìn chung, quy tắc dùng đũa của người Việt không quá khắt khe, trẻ nhỏ thường chỉ bắt đầu học cách sử dụng đũa khi đã lên 5 – 6 tuổi. Và cũng như nhiều quốc gia Á Đông khác, ngoài việc chống thẳng đôi đũa trong chén cơm bị coi là điềm gỡ, gắn liền với hình ảnh chén cơm cúng. Ở Việt Nam còn kiêng gõ đũa vào nhau, gõ đũa vào bát hay các vật dụng khác tạo tiếng động khi đang ăn. Họ quan niệm rằng, điều này sẽ khiến ma đói tìm tới quấy nhiễu, thêm vào đó đây là phép lịch sự mà người Việt rất đề cao.
Những đôi đũa truyền thống Việt Nam có thân tròn và để mộc, không sơn quét, trang trí, đầu đũa cũng thường không để quá nhỏ. Thông thường, ở miền Bắc đũa sẽ được làm từ tre còn ở miền Nam đũa thường được làm từ gỗ dừa.